Nhân viên văn phòng dành trung bình 13 giờ mỗi ngày để làm việc trước màn hình máy tính. Tùy từng ngành nghề, thời gian này có thể ít hơn. Tuy nhiên, sức hút của màn hình điện thoại, sự phát triển vượt bậc của các ngành kinh tế số… khiến con người ngày càng phụ thuộc điện thoại, máy tính bảng. Dù có ngủ đủ tám tiếng, thì chúng ta vẫn có 16 giờ thức để làm việc và sinh hoạt.
Theo số liệu trên, 81% thời gian thức là chúng ta dán mắt vào màn hình. Tất cả thời gian sử dụng thiết bị số đi kèm với nhiều tác động xấu đến cơ thể và tâm trí của con người. Có thể kể đến là mỏi mắt, đau đầu và mất ngủ.
Giải pháp là kính chặn ánh sáng xanh (blue blocking glass) đã ra đời, với tiêu chí một sản phẩm không mỏi mắt và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Contents
Ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng mặt trời là tổ hợp chứa nhiều loại ánh sáng màu (bao gồm đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím), mỗi loại có bước sóng và mức năng lượng khác nhau. Kết hợp lại, phổ tia sáng màu này tạo ra cái mà chúng ta gọi là “ánh sáng trắng” (hay ánh sáng mặt trời).
Ánh sáng xanh là một loại màu trong quang phổ ánh sáng này, thường được định nghĩa là “ánh sáng nhìn thấy được”. Điều này có nghĩa là nó có bước sóng ngắn và mức năng lượng cao. Mức độ ánh sáng xanh được phát ra từ nhiều nguồn sáng khác nhau, lớn nhất là mặt trời, là nơi chúng ta tiếp xúc nhiều nhất.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nguồn nhân tạo và trong những năm gần đây, ánh sáng xanh đã trở nên nổi tiếng vì liên quan đến màn hình kỹ thuật số. Máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và các màn hình kỹ thuật số khác đều phát ra ánh sáng xanh. Mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ so với lượng ánh sáng phát ra từ mặt trời. Tuy nhiên lượng thời gian mọi người sử dụng các thiết bị này và khoảng cách giữa các màn hình với mắt đã gây ra một số lo ngại về tác động lâu dài tiềm tàng của ánh sáng xanh đối với sức khỏe của mắt.
Ánh sáng xanh có hại mắt không?
Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn nên dễ xuyên qua mắt. Điều này có nghĩa hầu hết tia sáng xanh nhìn thấy được đều có thể đi qua giác mạc và thủy tinh thể, đến võng mạc (lớp màng phía sau mắt).
Có nhiều bằng chứng trái ngược nhau về mức độ nguy hại thực sự của nó. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ màn hình sẽ gây tổn thương mắt vì chúng ta tiếp xúc với ánh sáng xanh cả ngày từ mặt trời.
Tiến sĩ Raj Maturi, người phát ngôn lâm sàng của Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, giải thích: “Chúng ta nhận lượng ánh sáng xanh từ mặt trời nhiều gấp 10 lần so với từ màn hình máy tính mỗi ngày. Cơ thể chúng ta đã tiến hóa để đối phó với ánh sáng này”.
Nhưng nghiên cứu do Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ (AOA) tổng hợp lại chỉ ra rằng tiếp xúc lâu với ánh sáng xanh (như ngồi trước máy tính cả ngày) có thể gây tổn thương cho võng mạc. Đây là lớp trong cùng của mắt, chịu trách nhiệm gửi tín hiệu đến não để xử lý những gì bạn nhìn thấy. Prevent Blindness, tổ chức phi lợi nhuận về giảm thiểu tình trạng mất thị lực, cho biết các nghiên cứu ban đầu cho thấy ánh sáng xanh gây mỏi mắt.
Ngoài ra, ánh sáng xanh đã được chứng thực có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ví dụ gây lão hóa da, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học,…
Kính chặn ánh sáng xanh là gì?
Kính chặn ánh sáng xanh có các bộ lọc trong tròng kính giúp chặn hoặc hấp thụ ánh sáng xanh. Sử dụng những chiếc kính này, khi nhìn vào màn hình, đặc biệt là sau khi trời tối, chúng có thể giúp giảm tiếp xúc với sóng ánh sáng xanh. Điều này có thể khiến bạn tỉnh táo. Nhiều loại kính chặn ánh sáng xanh dễ mua cũng chứng tỏ khả năng giúp giảm mỏi mắt.
Kính chặn ánh sáng xanh có giúp giảm mỏi mắt không?
Mặc dù kính chặn ánh sáng xanh có hiệu quả trong việc giảm lượng ánh sáng xanh đi vào mắt, nhưng hiện tại chưa có nghiên cứu nào kết luận nó có thể cải thiện hoặc bảo vệ sức khỏe của mắt. Nói một cách đơn giản, khoa học chưa chứng minh được khi đeo kính chặn ánh sáng xanh sẽ có lợi ích nhiều đối với sức khỏe đôi mắt.
Xác định nguyên nhân để xử lý tình trạng mỏi mắt
Khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số lâu dài, nhiều người cho biết họ bị mỏi, thậm chí mờ mắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa xác định được liệu có phải ánh sáng xanh chính là nguyên nhân gây tình trạng mỏi mắt không.
Khi sử dụng màn hình kỹ thuật số, tình trạng mỏi mắt có thể xảy ra vì một số lý do. Ví dụ, nếu bạn dành quá nhiều thời gian để tập trung và nhìn vào màn hình, mắt bạn có thể bị mỏi. Hoặc có thể mắt bạn phải di chuyển tiêu cự liên tục khi nhìn vào màn hình. Ngồi quá gần có thể làm căng cơ khi mắt cố gắng tập trung vào một hình ảnh quá gần. Nếu bạn đeo kính, ánh sáng chói từ màn hình kỹ thuật số hoặc thấu kính của kính từ các nguồn sáng xung quanh (như đèn văn phòng hoặc cửa sổ gần đó) cũng có thể khiến mắt bạn nheo lại và căng thẳng.
Những vấn đề này rất dễ bị quy là do ánh sáng xanh. Chưa rõ nguyên nhân chỉ đơn giản do sử dụng quá mức các thiết bị kỹ thuật số hay bản thân ánh sáng xanh gây ra. Tuy nhiên, thực tế ở một số người, sau khi đeo kính chống ánh sáng xanh, cho biết chúng giúp họ cải thiện tình trạng mỏi mắt.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh ảnh hưởng đến thời điểm cơ thể chúng ta tạo ra melatonin, vì vậy nếu bạn sử dụng màn hình sau khi mặt trời lặn, chiếc kính này có thể giúp bạn buồn ngủ sớm hơn!
Nếu bị mỏi mắt kỹ thuật số, bạn có thể thử một bài tập đơn giản trước khi đầu tư vào chiếc kính chặn ánh sáng xanh. Sử dụng quy tắc 20–20–20: cứ sau 20 phút, hãy nhìn vào vật nào đó cách xa ít nhất 5 mét trong 20 giây, cho phép cơ mắt thư giãn. Nếu mắt bạn vẫn mỏi sau khi áp dụng phương pháp này, bạn có thể áp dụng bước kế tiếp: đeo kính chặn ánh sáng xanh.
ĐẸP HƠN KHI ĐEO KÍNH:
Harper’s Bazaar Việt Nam
🎯 Top1Go : LINK ĐẾN BÀI VIẾT GỐC