Bạn đã có một cây đèn phát ánh sáng đỏ trong nhà chưa? Tin chắc đọc xong bài viết, bạn sẽ đi kiếm ngay “cây đèn thần” này để giữ làm bảo bối.
![Liệu pháp Ánh sáng đỏ (RLT) chống lão hoá và bảo vệ sức khỏe [🆕🇻🇳] bazaarvietnam.vn Liệu pháp Ánh sáng đỏ (RLT) chống lão hoá và bảo vệ sức khỏe [🆕🇻🇳] bazaarvietnam.vn](https://2023-data-image.top1vps.com/wp-content/uploads/sites/3/2025/03/2025_shop1_top1vietnam_top1list_top1index_HBZVN_RED-LIGHT-THERAPY_3.jpg)
Có nhiều ứng dụng trong chăm sóc vẻ đẹp cho chị em bắt đầu từ… khoa học vũ trụ. Liệu pháp ánh sáng đỏ (Red Light Therapy – RLT) là một trong những phát minh như vậy.
Contents
Ánh sáng đỏ – Phát minh từ thế kỷ 20
Liệu pháp ánh sáng đỏ nôm na là phương pháp chăm sóc sức khỏe bằng ánh sáng màu đỏ. Nó được ứng dụng rộng rãi trong y học và thẩm mỹ hiện nay.
RLT không phải là phát minh mới. Từ năm 1903, Niels Ryberg Finsen, một bác sĩ người Đan Mạch, đã tiên phong trong việc sử dụng ánh sáng tập trung, bao gồm ánh sáng đỏ, để điều trị lupus vulgaris (một dạng lao da). Công trình nghiên cứu về liệu pháp ánh sáng (phototherapy) này đã đem lại cho ông giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học.
Công trình của Finsen đặt nền móng cho liệu pháp ánh sáng hiện đại. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông vẫn thận trọng trong việc ứng dụng rộng rãi vì chưa hiểu rõ cơ chế hoạt động của phương pháp này.
Công trình được NASA tài trợ
Cuối những năm 1980, công nghệ đèn LED bắt đầu xuất hiện. Kỹ sư Ron Ignatius hợp tác cùng Trung tâm Tự động hóa và Robot Không gian Wisconsin (WCSAR), do Trung tâm Vũ trụ Marshall của NASA tài trợ, nghiên cứu loại đèn này để trồng khoai tây trên tàu con thoi.
Các nhà khoa học của NASA nhận thấy rằng, khi làm việc dưới ánh sáng LED đỏ và xanh dương, những vết trầy xước trên tay họ dường như lành nhanh hơn bình thường. Vậy là NASA tình cờ phát hiện ra liệu pháp ánh sáng trong y học.
Công dụng trong y học và ngành thẩm mỹ
Từ năm 1995 đến 2003, NASA đã tài trợ tám dự án nghiên cứu ứng dụng y học của đèn LED. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng ánh sáng đỏ và hồng ngoại giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương, kích thích sản sinh protein tăng trưởng, collagen và mạch máu. Hải quân Hoa Kỳ dùng thiết bị LED để điều trị chấn thương do huấn luyện, giúp rút ngắn thời gian chữa lành vết thương cơ xương.
Hiện nay, RLT được sử dụng rộng rãi để làm giảm đau nhức cơ, phục hồi cơ bắp và hỗ trợ giảm viêm khớp. Ánh sáng đỏ cũng có tác dụng đáng kể trong việc tái tạo da, giảm viêm và chống lão hóa, từ đó RLT nhanh chóng trở thành phương pháp làm đẹp phổ biến trong ngành thẩm mỹ. Liệu pháp này hiện được ưa chuộng và nhiều người sử dụng mỗi ngày, đặc biệt là những ngôi sao trong giới giải trí. Nguyên nhân vì ánh sáng đỏ đã chứng minh là hiệu quả mà rất an toàn, ít khi gây ra tác dụng phụ.
Ngôi sao Kourtney Kardashian từng phát biểu: “Tôi sử dụng mặt nạ ánh sáng đỏ mỗi tối để giữ cho làn da luôn căng bóng và khỏe mạnh”.
Còn Victoria Beckham lại tuyên ngôn: “Liệu pháp ánh sáng đỏ thực sự đã thay đổi làn da của tôi”.
Các loại ánh sáng đỏ
Có nhiều loại đèn phát ra ánh sáng đỏ ở những bước sóng khác nhau, từ đó sử dụng cho các mục đích làm đẹp và chăm sóc sức khỏe khác nhau.
- Ánh sáng đỏ (bước sóng 600–800nm): Tác động lên bề mặt, giúp giảm viêm, giảm nám, làm sáng da. Kích thích sản sinh collagen, tái tạo tế bào, giảm nếp nhăn.
- Ánh sáng hồng ngoại gần (700–1.000nm): Xâm nhập từ 2–5cm vào da và mô cơ, giúp giảm đau, cải thiện lưu thông máu, phục hồi tổn thương cơ.
- Ánh sáng hồng ngoại xa (1.000–10.000nm): Xâm nhập rất sâu, lên đến 10cm, giúp thải độc, kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm viêm khớp, đau cơ xương, giảm căng thẳng, giúp thư giãn toàn thân.
Liệu pháp ánh sáng đỏ tác động lên cơ thể thế nào?
Nói một cách nôm na, cây cối cần ánh sáng để quang hợp và phát triển. Con người là một thành phần của thiên nhiên, do đó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng như bất kỳ sinh vật nào khác trên thế giới này.
Có nhiều loại ánh sáng với những tác động khác nhau. Trong bài này, chúng ta chỉ đề cập đến ánh sáng đỏ.
Khi xuyên sâu vào cơ thể, ánh sáng này tiếp cận với các tế bào và kích thích ty thể, từ đó tăng cường sản xuất ATP (Adenosine Triphosphate). ATP là nguồn năng lượng quan trọng, giúp tế bào hoạt động hiệu quả và từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi và tái tạo. Nhờ tác dụng này, ánh sáng đỏ có thể giúp:
- Kích thích sản sinh collagen và elastin, cải thiện độ đàn hồi, nhờ đó làm xóa mờ những nếp nhăn li ti, giúp da săn chắc và trẻ hóa.
- Tăng cường tuần hoàn máu, nhờ đó tăng lượng oxy và dưỡng chất được vận chuyển đến các mô và cơ quan trong cơ thể.
- Giảm viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị viêm da và các dạng eczema trên da.
- Hỗ trợ tái tạo tế bào, làm lành vết thương nhanh hơn, giảm đau nhức xương khớp.
Điều trị bao lâu có kết quả?
Giống như bất kỳ liệu pháp chữa trị nào, bạn cần kiên trì khi áp dụng RLT. Tùy làn da của mỗi người, kết quả có thể như sau:
- Từ 1 đến 2 tuần: da ẩm và đầy đặn hơn, giảm đỏ và sưng.
- Từ 4 đến 6 tuần: nếp nhăn mờ đi, da săn chắc hơn nhờ tăng cường sản sinh collagen.
- Từ 8 đến 12 tuần: giảm hẳn vết nhăn, da săn chắc và tăng độ đàn hồi, bớt hẳn mụn hay nám. Những điều cần chú ý khi sử dụng ánh sáng đỏ trong chăm sóc da
- Tránh ánh sáng xanh: Một số thiết bị RLT có cả ánh sáng xanh (dùng chữa mụn). Nếu da nhạy cảm, bạn nên chọn thiết bị chỉ có ánh sáng đỏ.
- Rửa mặt sạch trước khi chiếu đèn. Để da trần, không bôi serum hay kem dưỡng. Sau khi chiếu đèn, chờ 10 phút cho da nguội hơn hãy bôi serum và kem dưỡng, giúp da hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
- Không lạm dụng: Sử dụng 10–20 phút/lần, từ 3–5 lần/tuần.
- Nên dùng RLT vào buổi tối để giúp da phục hồi tốt hơn trong giấc ngủ.
- Bảo vệ mắt: Mặc dù ánh sáng đỏ an toàn, nhưng nên đeo kính bảo vệ nếu dùng thiết bị có cường độ mạnh.
- Đặt thiết bị ở đúng khoảng cách. Mỗi thiết bị có quy định riêng, phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi bắt đầu thực hiện.
Harper’s Bazaar Việt Nam
🎯 Top1Go : LINK ĐẾN BÀI VIẾT GỐC